Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Cảnh giác tránh “trắng tay” trên TTCK Việt Nam


Nhiều NĐT có quy tắc giao dịch chuẩn, thu được lợi nhuận nhưng chỉ cần 1 lần phá quy tắc, không kỷ luật đã thua lỗ dẫn tới mất trắng tài khoản do margin cao.

Cảnh giác tránh “trắng tay” trên TTCK Việt Nam

TTCK của Việt Nam còn rất non trẻ so với các TTCK lâu đời trên thế giới nhưng đã có sự phát triển rất nhanh chóng. Cùng những thay đổi mang tính tích cực thì cũng có nhiều góc khuất, tại đó tồn tại những cạm bẫy tinh vi mà những NĐT phải học cách né.

Nhiều kiểu “chết”

Khác với những chiếc bẫy trong chiến tranh nhằm tiêu diệt kẻ địch, những chiếc bẫy trên TTCK nhằm vào lòng tham của tất cả những ai tham gia giao dịch CK. Từ NĐT cá nhân, tới NĐT tổ chức hay CTCK.

Câu chuyện về thao túng giá CP AAA năm 2010 là ví dụ về CTCK mắc bẫy. Theo giới đầu tư, một số CTCK đã cho phép một nhóm NĐT vay tiền margin để đầu tư vào CP AAA. Sau khi có tiền, các NĐT này đã mua vào liên tục CP AAA đẩy giá CP tăng từ 44.000đ/CP lên 94.000đ/CP. Cùng lúc đó cổ đông lớn của AAA đã bán ra hết 3 triệu CP, tương ứng 37% lượng CP đang lưu hành trong 19 phiên. Sau đó CP AAA rớt giá thê thảm và nhóm NĐT đã bỏ tài khoản để các CTCK ôm đống CP.

Hay như vụ Dược Viễn Đông - DVD, một cổ đông tổ chức lớn như Deutsche Bank AG London cũng bị lãnh đạo Cty qua mặt. Khi TGĐ DVD đã bị bắt vào 26.11.2010 vì tội danh thao túng giá CK thì Deutsche Bank AG London vẫn mua thêm để nâng tỉ lệ sở hữu trong Cty. Đến ngày 29.1.2013, ông Lê Văn Dũng tiếp tục bị khởi tố tội danh làm giả tài liệu, vay hơn 140 tỉ đồng tại 2 NHTM An Bình và Tiên Phong.

Còn với NĐT cá nhân nhỏ lẻ ít kinh nghiệm thường mắc bẫy là thông tin nội bộ, hay lời rỉ tai của môi giới về “đội lái” CP. Có thể ban đầu những lời tư vấn kiểu đó đem lại lợi nhuận cho NĐT nhanh chóng. Nhưng khi say máu kiếm lời, các NĐT dồn tiền vào mua những CP đó thì mới là lúc “đội lái” thực sự kiếm lời. Nhiều CP vài hôm trước khối lượng giao dịch hàng trăm ngàn đơn vị/phiên, đến hôm sau khối lượng giao dịch chỉ còn vài chục ngàn.

NĐT mắc kẹt với đống CP không còn thanh khoản. Thậm chí rất nhanh mất trắng tài khoản nếu như sử dụng đòn bẩy với tỉ lệ margin cao.

Cảnh giác!

Theo khuyến cáo của các chuyên gia: Các loại cạm bẫy trên TTCK sẽ không đáng sợ nếu các NĐT cá nhân tham gia thị trường luôn cảnh giác trước cả tin tốt và tin xấu, bình tĩnh phân tích thấu đáo tất cả thông tin xuất hiện trên thị trường. Cùng một dạng tin xấu, nhưng lúc là cơ hội mua vào nhưng cũng có lúc cần phải bán ra.

Ví dụ ngày 7.3.2012 khi tin xấu được đưa ra là tăng giá xăng thêm 2.100đ/lít thì thị trường lao dốc 2 phiên, sau đó đã tăng mạnh trở lại, chính thức vượt mốc 400 điểm. Đến ngày 21.8.2012, thông tin bầu Kiên bị bắt thị trường lập tức hoảng loạn, giảm mạnh 3 phiên liên tiếp, thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 400 điểm. Sau đó thị trường lình xình đi ngang suốt hơn 3 tháng liền.

Điểm khác biệt thấy rõ là xu thế thị trường tại 2 thời điểm khác nhau. Thời điểm tháng 3.2012 thị trường đang có sóng tăng mạnh, nên khi tin xấu xuất hiện lại là cơ hội cho NĐT mua vào. Còn đến tháng 8.2012 thị trường đang đi vào xu hướng điều chỉnh giảm, và tin bất lợi từ bắt giữ bầu Kiên như giọt nước làm tràn ly, thúc đẩy việc bán ra của các tổ chức, cá nhân đang nắm giữ CP.

Mới đây ngày 21.2.2013, tin đồn liên quan lãnh đạo cấp cao BIDV khiến thị trường sụt giảm rất mạnh. Theo Chủ tịch BIDV thì chỉ trong phiên giao dịch đó đã có người được hưởng lợi 500-700 tỉ đồng. Nhưng cũng phải thấy rằng, kể từ phiên mất điểm mạnh đó thị trường cũng lình xình. Thậm chí đến ngày 26.2.2013, dù không có thông tin gì bất lợi, thị trường vẫn mất 17 điểm.

Qua đấy có thể thấy, khi phân tích một tin tức dù tiêu cực hay tích cực thì cần chú ý tới vị thế của thị trường, chứ không nên cứng nhắc suy luận là tin tốt ra để bán CP, còn tin xấu ra để gom CP. Để nâng cao đẳng cấp đầu tư, ngoài việc tham gia các khóa học cơ bản, kinh nghiệm của một NĐT thành công là nên lập quy tắc giao dịch CP phù hợp với khẩu vị rủi ro chính mình.

Và khi đã có quy tắc giao dịch phù hợp, có hiệu quả thì điều quan trọng nhất để thành công là kỷ luật. Nhiều NĐT có quy tắc giao dịch chuẩn, thu được lợi nhuận nhưng chỉ cần 1 lần phá quy tắc, không kỷ luật đã thua lỗ dẫn tới mất trắng tài khoản do margin cao.

Ví dụ thường gặp nhất là NĐT thường không cắt lỗ khi bị lỗ 5-10%, đến khi giảm 30-50% thì không dám bán ra, thậm chí còn mua vào. Đến khi CP lỗ 80% thì quá sợ hãi, bán tháo ra và chịu lỗ lớn. Đôi khi sau đó CP lại tăng điểm trở lại thì NĐT còn thiệt hại kép.

TTCK vẫn tồn tại với rủi ro và cơ hội song hành. Nếu NĐT không có sự cân nhắc kỹ càng, luôn lung lay trước các tin đồn thì khó có thể gặt hái thành công trên thị trường, chưa nói đến túi tiền cứ bị vơi dần theo mỗi phiên giao dịch.

Theo Thanh Sơn

Lao động


0 nhận xét:

Đăng nhận xét